Đi chợ mua đồ làm nến thơm tại nhà cùng Nguyễn Bá!
18/05/2023
Ở bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn những nguyên liệu, dụng cụ cần có khi làm nến thơm tại nhà và hướng dẫn các bước tự làm nến thơm chi tiết, hiệu quả nhất!
Công dụng tuyệt vời của nến thơm
Đối với không gian sống, tinh dầu trong nến thơm có tác dụng khử mùi cực kỳ tốt. Bạn có thể dùng nến thơm để loại bỏ mùi thức ăn hoặc mùi ẩm mốc trong không gian sống. Sau một ngày dài làm việc bên ngoài và trở về nhà, thắp một chút nến thơm, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu, thư giãn vô cùng. Không những thế, nến thơm handmade còn là một món quà ý nghĩa để dành tặng những người thân thương. Làm nến thơm tại nhà đơn giản hơn bạn nghĩ nhiều, theo dõi bài viết để có thêm công thức làm nến thơm handmade dễ thực hiện nhất nhé!
Nguyên liệu, dụng cụ cần có khi làm nến thơm tại nhà
Cũng giống như nấu ăn, để làm nến thơm thành công, thì 70% là phụ thuộc vào việc chuẩn bị nguyên liệu. Hãy bảo đảm bạn có đủ những thứ dưới đây:
Ly/cốc, hũ đựng nến
Mỗi loại ly có kích thước khác nhau sẽ đựng được lượng sáp nến khác nhau. Ly lớn chứa được nhiều sáp hơn, cần nhiều tinh dầu hơn, thời gian sử dụng cũng lâu hơn và độ tỏa hương cao hơn so với ly nhỏ. Hiện nay, các loại ly/cốc hoặc hũ đựng nến có sẵn để cách làm nến thơm handmade đã có ghi chú trọng lượng sáp phù hợp cho từng kích thước ly, rất thuận tiện cho các bước làm tiếp theo. Tuy nhiên, nếu bạn tận dụng những chiếc ly hoặc hũ có sẵn ở nhà để làm nến handmade thì hãy lưu ý những điều sau:
- Cốc đựng nến cần phải làm từ các loại vật liệu chịu nhiệt, ví dụ như thủy tinh với độ dày vừa đủ, các loại cốc sứ tráng men hoặc hộp thiếc. Chọn cốc/hũ đựng như trên sẽ hạn chế cốc nến bị vỡ khi rót sáp nến hoặc nhiệt lượng tỏa ra khi đốt nến làm nứt/vỡ cốc.
- Về hình dáng, không nên chọn cốc có phần miệng nhỏ hơn phần đáy, điều này sẽ ảnh hưởng đến độ tỏa hương của nến. Một chiếc cốc nến handmade lý tưởng sẽ có hình trụ tròn, tốt nhất là nên có nắp đậy để hạn chế việc mất đi mùi hương hoặc bụi bẩn bám vào nến.
Nên chọn những chiếc cốc hình trụ, có phần miệng và đế bằng nhau để làm nến thơm
Sáp làm nến
Có rất nhiều loại sáp làm nến khác nhau như: sáp đậu nành, sáp ong, sáp cọ, sáp paraffin, sáp gel,...Mỗi loại có một công dụng riêng và tùy vào nhà cung cấp mà chất lượng nến cũng sẽ khác nhau mặc dù có cùng tên gọi. Hãy chú ý những đặc điểm sau đây để chọn được loại sáp phù hợp khi làm nến thơm tại nhà:
- Sáp được làm từ các nguyên liệu từ thiên nhiên
- Không tỏa khói đen
- Không chứa kim loại nặng bên trong sáp
Nếu chọn sáp có chất lượng tốt, nến thơm sau khi làm sẽ có bề mặt láng mịn, độ cứng cao, bám thành ly tốt, chứa nhiều tinh dầu, không khói đen và lên màu đẹp, bảo đảm mặt thẩm mỹ cho cốc nến.
Tim nến/bấc nến
Có 2 loại tim nến phổ biến khi làm nến tại nhà là: tim nến gỗ và tim nến cotton. Bấc nến gỗ được đánh giá cao bởi tính thẩm mỹ, khi đốt tạo tiếng tí tách vui tai (giống như tiếng lửa trại). Tuy nhiên, nhược điểm của nó là hơi khó cháy. Bấc nến cotton được làm từ nhiều sợi cotton đan lại với nhau. Ưu điểm của loại tim nến này là: có giá thành rẻ, dễ bắt lửa và lửa ổn định.
Tinh dầu
Nên dùng tinh dầu nguyên chất, có độ đậm đặc cao để làm nến thơm
Chọn tinh dầu là công đoạn thú vị nhất trong quá trình làm nến handmade. Để hộp nến của mình có chất lượng tốt nhất, bạn cần dùng loại tinh dầu nguyên chất, có độ đậm đặc cao. Không nên sử dụng các loại tinh dầu đã pha loãng, tinh dầu tỏa hương cắm que đã pha loãng với dung môi hay các loại nước hoa để làm nến thơm. Vì trong nước hoa có chứa cồn, nến thơm sẽ không đông lại được. Dùng tinh dầu với tỷ lệ bao nhiêu là hợp lý? Với những bạn mới bắt đầu làm nến thơm tại nhà, có thể dùng tinh dầu với lượng 6-10% so với tổng trọng lượng sáp. Ví dụ, bạn muốn tự làm một hũ nến thơm có trọng lượng 100g thì nên dùng 6-10ml tinh dầu nhé! Nếu bạn muốn mùi đậm hơn, có thể dùng từ 8-10ml tinh dầu.
Dụng cụ cần có
- Cân tiểu ly
- Cốc nấu nến
- Nhiệt kế
Hướng dẫn cách làm nến thơm handmade
Bước 1: Vệ sinh cốc/hũ đựng nến
Dù mua các loại cốc đựng nến có sẵn tại các cửa hàng hay tận dụng hũ đựng nến ở nhà để làm nến thơm, đừng quên lau sạch bụi bẩn, lấy hết sáp nến cũ ra để chuẩn bị làm cốc nến mới nhé!
Bước 2: Chuẩn bị bấc nến
- Trong trường hợp dùng bấc gỗ, bạn nên chập hai chiếc bấc lại để chúng dễ bắt lửa hơn khi đốt, và cố định chúng vào phần đế.
- Trong trường hợp dùng bấc cotton, bạn đo chiều cao của bấc bằng với chiều cao của lọ đựng nến, rồi dùng kéo cắt đoạn bấc phù hợp. Sau đó gắn đoạn bấc vào phần đế (có thể dùng kìm để bóp chặt phần đế và bấc nến để chúng chắc chắn hơn). Cuối cùng, dùng sticker dán đế gắn phần bấc nến cotton vừa chuẩn bị xuống đáy lọ và chuyển sang các bước trong cách làm nến thơm handmade tiếp theo.
Bấc nến gỗ và bấc nến cotton
Bước 3: Đun sáp bằng phương pháp đun cách thủy
- Cho một lượng sáp vừa đủ cho hũ nến bạn đã chuẩn bị vào cốc nấu nến
- Bắc một nồi nước lên bếp rồi để cốc nến vào nồi, và đừng quên cắm nhiệt kế vào cốc nấu nến nhé!
*Lưu ý: bạn không nên đun sáp quá 95 độ C, vì như vậy sáp khi đông lại sẽ ngả màu vàng. Nếu bạn pha màu cho nến, thì màu sẽ lên không được như ý.
- Khi đun sáp, bạn nên đun trên lửa nhỏ, dùng muỗng nhỏ/đũa khuấy nhẹ nhàng để sáp tan ra từ từ. Hãy cẩn thận, đừng để hơi nước/nước bắn vào cốc sáp, vì như vậy sáp nến sẽ không đông lại được.
Đun chảy sáp nến
Bước 4: Pha màu cho cốc nến
Khi sáp đã tan hoàn toàn, đây là thời điểm thích hợp để bạn tạo màu cho nến handmade của mình.
Bạn thả các viên màu làm nến có sẵn vào cốc, khuấy đều để chúng hòa tan với sáp nến đã được nấu chảy. Nến thơm handmade lúc này đã có màu sắc như bạn mong muốn rồi!
Bước 5: Thêm tinh dầu vào sáp nến
- Lấy cốc nấu nến ra khỏi nồi.
- Dùng cân tiểu ly cân khối lượng của sáp để biết lượng tinh dầu cần dùng. Ví dụ, phần sáp của bạn nặng 100g, theo công thức đã chia sẻ ở trên, thì bạn nên thêm 6-10ml tinh dầu vào sáp nến để tạo hương thơm vừa đủ cho cốc nến handmade của mình.
- Sau khi cho tinh dầu vào sáp nến đã nấu chảy, khuấy nhẹ, đều tay từ 1-2 phút để tinh dầu tan hẳn trong dung dịch sáp.
*Nếu bạn dùng bấc nến gỗ, ở bước này, nên nhúng chiếc bấc vào phần sáp còn đang lỏng này để sáp dán chặt hai thanh bấc với nhau và dễ bắt lửa hơn khi ta đốt nến. Nếu bạn dùng bấc cotton, thì không cần thực hiện điều này.
Bước 6: Đổ sáp vào hũ đựng nến và trang trí
Đổ sáp vào hũ đựng nến
- Sau khi lấy cốc nấu nến ra khỏi nồi, nhỏ tinh dầu,...nhiệt độ của dung dịch sáp sẽ giảm xuống, khi chúng còn khoảng 60 độ C (có thể kiểm tra bằng nhiệt kế) thì bạn có thể đổ sáp vào hũ đựng nến.
- Nghiêng cốc nấu sáp rồi đổ từ từ vào hũ đựng nến cho đến khi đầy hũ.
- Sau khi sáp nến đông lại, bạn có thể dùng hoa khô để trang trí cho hũ nến handmade thêm phần sinh động. Khi dùng hoa khô trang trí, nên đặt hoa cách xa tim nến, vì nếu đặt gần, chúng sẽ dễ cháy và tạo ra khói đen, mùi cháy khét,...
- Sau khi hoàn thành, bạn nên chờ 1-2 ngày để sáp nến khô hoàn toàn rồi mới cắt bỏ phần bấc nến còn thừa nhé!
- Nếu dùng bấc cotton, từ mặt nến, bạn đo khoảng 0.3 cm rồi cắt đi phần bấc thừa. Nếu dùng bấc gỗ, bạn chỉ nên giữ lại 0.2 cm, vì nếu để quá dài, bấc gỗ sẽ không thể hút sáp để cháy ổn định được.
Một số lưu ý để sử dụng nến thơm handmade hiệu quả và an toàn
- Nên đốt nến ít nhất 1-2 tiếng/lần, hoặc để mặt nến tan chảy hoàn toàn để tránh tình trạng hụt tim nến.
- Hãy luôn cắt bớt phần bấc trước khi đốt nến, chỉ giữ lại 0,2-0,3 cm tính từ mặt nến để không tạo ra khói đen.
- Để nến ở bằng phẳng, ít gió và luôn nhớ tắt nến trước khi đi ngủ nhé!
Kết luận
Vậy là Nguyễn Bá vừa chia sẻ cho bạn những nguyên liệu, dụng cụ cần thiết khi tự làm nến thơm, hướng dẫn chi tiết cách làm nến thơm tại nhà, những lưu ý trong quá trình làm và cách sử dụng nến hiệu quả, an toàn. Theo dõi chúng tôi thường xuyên để cập nhật thêm các công thức làm nến thơm tại nhà đơn giản nhất nhé!